NÉT ĐẸP VĂN HÓA HẢI TÂY
Lượt xem: 1299

Trong tổng số 35 xã, thị trấn của huyện Hải Hậu có đến 32 tên xã được bắt đầu bằng chữ Hải: Hải Anh, Hải Bắc, Hải Cường, Hải Giang, Hải Hà, Hải Ninh, Hải Phong, Hải Toàn… Có đủ cả Hải Đông, Hải Nam, Hải Bắc, Hải Tây. Cũng là một nét văn hóa đặc trưng của miền quê biển này. Đông, Tây, Nam, Bắc là cái cách các cụ đặt tên theo vị trí địa lý. Hải Tây cách trung tâm huyện Hải Hậu khoảng 5 cây số, một miền quê thanh bình chạy dọc bờ con sông…

Hải Tây vốn là vùng đất bãi bồi được hình thành từ đầu thế kỷ 18. Phải đến những năm 30 của thế kỷ 19 mới có dân đến vùng đất này sinh sống bằng nghề chài lưới. Đời vua Tự Đức thứ 17, quan doanh điền sứ - tiến sỹ Đỗ Tông Phát chiêu mộ dân quai đê lấn biển, khai khẩn vùng bãi bồi, đắp đê ngăn nước mặn, quật lập ruộng đồng. Quá nhiều công sức đã đổ vào công cuộc khai khẩn này, nhất là việc triệt hạ các cửa sông Vạn, sông Sâu, sông Hải Hậu. Vào thời ấy, để làm được việc này là vô cùng khó khăn. Nhưng những con người Hải Hậu thông minh quả cảm đã chinh phục được  thiên nhiên. Năm 1885 khu đất mới với diện tích khoảng trên 5000 mẫu được hình thành. Đất vốn dĩ mặn mòi nên việc trồng trọt thường là thất bát. Người dân lại tiếp tục công việc đào sông, khơi ngòi, đưa nước ngọt vào đồng, thau chua rửa mặn, dần dần mới trồng được lúa, mùa màng cũng khấm khá hơn. Biết bao mồ hôi nước mắt, và cả máu xương đã đổ xuống đất Hải Tây này để có được những cánh đồng màu mỡ, lúa cấy hai vụ, rau màu tươi tốt hôm nay. Hải Tây có diện tích đất tự nhiên 625, 18 hecta. Dân số 7720 người, trong đó 1800 người đang đi làm ăn xa hay đã lập nghiệp ở những miền quê khác. Người dân Hải Tây chủ yếu sống bằng nghề nông. Địa hình Hải Tây khá bằng phẳng. Làng xóm gắn kết với nhau bằng những con đường bê tông phẳng phiu. Cũng đường ngang ngõ dọc bổ ô như chốn phố thị. Toàn xã có 13 kilômet đường bê tông liên thôn liên xóm rộng 4 đến 4,5 mét. 16,3kilômet đường bê tông dong trong các xóm rộng 3 mét. 22 kilômet đường nội đồng Hải Tây đã bê tông hóa được 15 kilômet. Hàng ngày nhiều người đi làm đồng bằng xe máy hay xe đạp điện. Chủ trương bê tông hóa đường giao thông trong xã là việc làm phù hợp với nguyện vọng của dân nên được bà con toàn tâm toàn ý ủng hộ. Nhiều người hiến tặng dăm ba chục mét vuông đất thổ cư, hàng chục triệu đồng để làm đường. Riêng ông Phạm Văn Bằng ở xóm 8 đã ủng hộ 50 triệu đồng. Hệ thống cột đèn chiếu sáng trên các trục đường được làm bằng ống nước, có hàn cố định giá đỡ cán cờ để cắm trong các ngày lễ, ngày Tết. Hai bên đường trồng hoa các loại, quanh năm hoa nở rực rỡ trông rất đẹp mắt. Ông Lê Tiến Phi, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phụ trách văn hóa xã hội của Hải Tây nói với chúng tôi: Có đi đâu, làm đâu, công việc có khó khăn, bận rộn đến mấy nhưng cứ về đến quê, đi trên những con đường quê, nhìn thấy một màu xanh bát ngát, nhìn thấy rực rỡ sắc hoa là thấy lòng nhẹ nhõm, thấy tâm hồn thư thái hơn…





Trải qua 3 cuộc kháng chiến, 128 người con của Hải Tây đã hy sinh trên các chiến trường. 11 mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng. Đài tưởng niệm liệt sỹ được xây dựng khá quy mô tại trung tâm xã, ngay trên bờ sông Hải Hậu. Năm 2016 sư thầy trụ trì chùa Quế Phương- một di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh trên địa bàn xã- đã tài trợ công trình làm cây cầu bắc qua sông Hải Hậu để nhân dân vào nghĩa trang thăm viếng được thuận tiện. Sư thầy là người có tâm huyết với quê hương Hải Tây. Nhiều hoạt động văn hóa thông tin, hoạt động từ thiện của xã cũng nhận được sự quan tâm tài trợ của trụ trì chùa.

38 năm liền Huyện Hải Hậu được công nhận là lá cờ đầu văn hóa cấp huyện toàn quốc. Huyện đã 3 lần được công nhận danh hiệu anh hùng trong hai cuộc kháng chiến và trong thời kỳ đổi mới, đang đề nghị Nhà nước công nhận danh hiệu anh hùng lần thứ tư: huyện văn hóa anh hùng. Trong thành tích chung ấy của huyện  Hải Hậu, có sự đóng góp tích cực của Đảng bộ và nhân dân xã Hải Tây. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, các hoạt động văn hóa thể thao luôn được duy trì thường xuyên, như một nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày của người dân Hải Tây. Tất cả  các xóm đều có câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh, tập luyện một cách bài bản. Số lượng hội viên của các câu lạc bộ ngày càng phát triển. Phong trào bóng chuyền hơi nữ của Hải Tây được đánh giá cao, thu hút nhiều đối tượng tham gia, từ bà con nông dân đến cán bộ, công nhân, viên chức. Hàng ngày, sân bóng của các xóm luôn nhộn nhịp từ 5 giờ chiều đến 8, 9 giờ tối. Vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 hàng năm xã tổ chức thi đấu, giao lưu giữa các câu lạc bộ để hội viên có dịp học tập, trao đổi kinh nghiệm. Các xóm đều có đội văn nghệ với khả năng biểu diễn được đánh giá về chất lượng và phong cách mang tính chuyên nghiệp cao. Nhiều giọng hát hay, nhiều tay đàn giỏi trưởng thành từ phong trào, là hạt nhân cho các hoạt động văn nghệ của xã, của huyện. Mỗi lần tổ chức giao lưu văn nghệ, sân Ủy ban xã đều quá tải vì lượng khán giả đông đảo. Trang phục đạo cụ biểu diễn văn nghệ cũng như quần áo đồng phục của các câu lạc bộ thể dục thể thao đều do dân tự nguyện đóng góp. Đây cũng là cái khó của Hải Tây trong việc nuôi dưỡng phong trào. Nguồn kinh phí hoạt động hàng năm của xã còn khá khiêm tốn, trên địa bàn không có nhà máy, doanh nghiệp lớn, còn vắng bóng Mạnh Thường Quân cho các hoạt động văn hóa xã hội…Để duy trì được các hoạt động tinh thần này là quyết tâm lớn của Đảng bộ và nhân dân xã Hải Tây.





Đến Hải Tây, không thể không đến thăm làng nghề của xã. Làng nghề mang tên làng Hưng Đạo vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa và cây cảnh. Nhà nào cũng có vườn rộng với những ang những chậu cây đủ loại kích cỡ, nhiều loại thế, kiểu dáng. Cây chủ công của làng là cây sanh. Vào thời điểm 2014, cơn sốt cây cảnh đã tạo một diện mạo mới cho làng nghề. Nhiều nhà ăn nên làm ra, “ đổi đời” nhờ cây sanh. Người tứ xứ tìm đến Hưng Đạo để săn một cây sanh có thế độc lạ, hoặc chỉ để chiêm ngưỡng, tranh luận về một cây sanh quý hiếm mà tuổi cây nhiều hơn cả tuổi người trồng, người chơi cây. Thân cây thì mốc meo, cành sù sì, rễ nhằng nhịt, được chủ nhân xếp đặt cho “ngồi” chễm chệ trên những hòn đá cũng sù sì góc cạnh, tiền được tính bằng trăm triệu. Chỗ nào cũng thấy chuyện trò bàn tán về cây cảnh. Cả làng cả xã cứ nhộn nhịp như Tết từ sáng tới tối. Vào thời điểm hiện tại, thị trường giao dịch cây cảnh đang chững lại. Tuy vậy các chủ vườn vẫn phải hàng ngày chăm sóc, cắt tỉa, phục binh chờ thời cây cảnh sẽ hưng thịnh trở lại. Thổ nhưỡng Hải Tây rất hợp với cây cảnh và rau xanh, đặc biệt là cây cà chua. Cà chua sạch Hải Tây khá nổi tiếng, là giống cây không thể thiếu trong vườn mỗi nhà, vừa để ăn, vừa bán. Do lượng cung  ngày càng lớn nên nhiều nhà đã chuyển đổi trồng thêm nhiều loại rau màu khác, tạo sự phong phú đa dạng cho vườn rau sạch Hải Tây.

Vài trăm năm với lịch sử là một quãng thời gian không dài. Nhưng với người dân Hải Tây, đó là cả một quá trình khai thiên lập địa, tạo lập xóm làng, cải tạo đồng đất để có được một Hải Tây hôm nay. Người Hải Tây luôn tự hào về truyền thống lịch sử, về nét đẹp văn hóa của quê hương mình. Năm 2014 Hải Tây đã được tỉnh Nam Định công nhận xã nông thôn mới. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa luôn được Đảng bộ xã quan tâm, chỉ đạo và động viên kịp thời. Hãy một lần đến với Hải Tây, để được hít thở không khí trong lành của miền quê duyên hải, để được ngắm những cánh đồng, những vườn cây quanh năm tươi tốt, để được dự một chương trình giao lưu thể thao, hay cùng thả hồn trong câu hát, tiếng đàn, điệu múa, vần thơ…Các thế hệ cháu con của tiến sỹ Đỗ Tông Phát hôm nay đang viết tiếp những trang sử mới trên quê hương Hải Tây anh hùng…    

                                                                                                Tháng 8 năm 2017

NGUYỄN HÙNG







image advertisement

image advertisement


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
  • Cơ quan chủ quản: Xã Hải Tây
    Địa chỉ : UBND xã Hải Tây - huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định
    Điện thoại:    * Email: xahaitay.hhu@namdinh.gov.vn
     
    Người chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Kiều – Chủ tịch UBND xã

      
    Chung nhan Tin Nhiem Mang